Chỉ số sản xuất công nghiệp dần 'hồi sinh' sau giai đoạn nới lỏng giãn cách

07/11/2021
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình sản xuất kinh doanh dần khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Điều này thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 10/2021 ước tăng 6,9% so với tháng trước. Nếu cộng dồn 10 tháng 2021, IPP cũng tăng 3,3% nếu so với cùng kỳ 2020.
Nếu phân bổ theo địa phương, có đến 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chỉ số IPP tăng so với cùng kỳ năm trước, và có 11 địa phương đạt mức tăng cao. Đứng đầu là Ninh Thuận với chỉ số IPP 10 tháng tăng 29,7%. Xếp sau là Đắk Lắk với mức tăng 25,7%. Trong khi đó 2 thành phố trung tâm công nghiệp của cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều không nằm trong Top 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chỉ số IPP cao.
Chỉ số sản xuất công nghiệp dần 'hồi sinh' sau giai đoạn nới lỏng giãn cách
* Ảnh minh họa
"Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt trong thời gian tới; các doanh nghiệp ở khu vực miền Bắc, miền Trung tăng tốc sản xuất, tình hình sản xuất công nghiệp trong quý IV/2021 sẽ cao hơn quý III. Nếu đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng, IPP dự kiến IPP năm 2021 sẽ tăng khoảng 6 % so với năm 2020. So với chỉ tiêu ngành Công Thương đề ra tăng từ 8-9%, con số này vẫn còn khá thấp, nhưng thể hiện nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cơ quan Trung Ương và địa phương trong kiểm soát dịch bệnh, tiến đến khôi phục sản xuất nhanh chóng”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Trong tổng thể bức tranh tăng trưởng IPP sau 10 tháng 2021, ngành chế biến, chế tạo nổi lên với mức tăng 4,5%, góp 3,99 điểm phần trăm. Thứ hai là ngành sản xuất và phân phối điện năng tăng 4,1%, góp 0,36 điểm phần trăm. Thứ ba là ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,4%, góp 0,05 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng lại giảm 7%, kéo giảm 1,1 điểm phần trăm của mức tổng IPP.
Ngoài ra, một số ngành cũng chứng kiến chỉ số IPP giảm như: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 19,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 8,7%; sản xuất đồ uống giảm 5,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 5,4%.
Về cơ cấu sản phẩm công nghiệp cũng có những ngành chủ lực đạt tăng trưởng 10 tháng cao hơn cùng như năm trước. Ví dụ sản phẩm linh kiện điện thoại tăng 38,8%; thép cán tăng 37,3%; xăng dầu các loại tăng 15,5%; khí hóa lỏng LPG tăng 14,1%; ô tô tăng 12,4%; sắt, thép thô tăng 11,4%; sữa bột tăng 9,6%; thức ăn cho gia súc tăng 9,5%; giày, dép da tăng 8,5%. Ngoài ra, số lao động vào thời điểm 1/10/2021 tại các doanh nghiệp công nghiệp cũng tăng 7,7% so với đầu tháng 9/2021, nhưng giảm 7,9% nếu so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm nay, ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài tại các địa phương có khu công nghiệp lớn tại các tỉnh phía nam cũng khiến giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù vậy nếu tính gộp 9 tháng năm 2021, đà tăng của giá trị ngành công nghiệp vẫn giữ vững với tỷ lệ 4,45% so với năm 2020.
Từ đầu tháng 10/2021, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đã bớt căng thẳng, tỷ lệ phủ vắc xin cao cũng giúp dịch bệnh trong tầm kiểm soát. Điều này giúp các địa phương này thuận lợi bước vào giai đoạn bình thường mới, và đẩy mạnh khôi phục, phát triển kinh tế. Chỉ số IPP của TP.HCM nói riêng đã có sự khởi sắc đáng kể trong tháng 10/2021. Khó khăn hiện tại vẫn là sự thiếu hụt nguồn cung lao động cũng như chuỗi cung ứng nguyên liệu đứt gãy vẫn chưa khôi phục hoàn toàn.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, triển vọng toàn cầu sẽ tiếp tục khởi sắc khi đồng loạt các nước thực hiện chiến lược tiêm chủng vaccine Covid-19 rộng và quy mô lớn, tạo điều kiện khôi phục kinh tế và thương mại hàng hóa toàn cầu. Các thị trường quan trọng trên thế giới như Mỹ và EU đều đã mở cửa trở lại, đồng thời các hoạt động tiêu dùng, mua sắm của người dân cũng hồi phục mạnh mẽ. Do đó, các mặt hàng sản xuất thế mạnh của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu và tăng trưởng mạnh như: Điện tử, dệt may, da giày, chế biến nông sản, thủy sản…
chi xuat cong nghiep phuc hoi 2
* Ảnh minh họa
Đây chính là cơ hội có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là việc khôi phục sản xuất, giành được các đơn hàng lớn và giữ được đối tác trong những năm tiếp theo. Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp cần thích ứng nhanh với trạng thái “bình thường mới”, tái khởi động chuỗi sản xuất cũng như tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Bộ Công Thương sẽ bám sát tình hình và đưa ra các hướng dẫn cần thiết để các cụm, các khu công nghiệp dễ dàng trong việc theo dõi cấp độ dịch bệnh, cũng như thích ứng trong sản xuất trước dịch bệnh Covid-19 khó lường.

Xem thêm: Khu công nghiệp tỉnh Bình Phước

Ngoài ra, các lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo… cũng sớm đón nhận nguồn đầu tư công, tuân thủ tiến độ đưa vào vận hành các công trình, dự án trọng điểm, nhằm thúc đẩy tăng giá trị sản xuất công nghiệp cũng như phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các ngành trên cũng cần chủ động nguồn vật liệu cơ bản, nguồn cung linh kiện và nguyên phụ liệu đầu vào, hạn chế nhập khẩu để tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo PGS TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, ngành Công Thương, các địa phương cần có sự phối hợp với nhau nhằm khôi phục, tăng cường lưu thông hàng hóa, kết nối nhanh chóng giữa các khu vực trong bối cảnh “bình thường mới”. Các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ tạo thông suốt cho chuỗi cung ứng cũng như nguồn lao động… “Các bộ, ngành cần đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp sản xuất cũng như nắm bắt cơ hội xuất khẩu; có các chính sách thúc đẩy cầu hàng hóa tăng, từ đó tạo cơ hội để doanh nghiệp hồi phục trong những tháng cuối năm này”, ông Trần Hoàng Ngân phân tích.

Tác giả bài viết: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Tin tức

Tin tức khác

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao...

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây