Lĩnh vực công nghiệp - thương mại đưa Đồng Nai phát triển bền vững

01/06/2022
Sau 47 năm hoàn toàn giải phóng Miền Nam và thống nhất đất nước, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều dấu ấn phát triển và hội nhập mạnh mẽ. Trong đó có phần đóng góp không nhỏ của Đồng Nai, một địa phương giàu tiềm năng phát triển và là trung tâm công nghiệp hiện đại của cả nước. Tỉnh Đồng Nai đã có những bước đi vững chắc, hướng đến phát triển lĩnh vực công nghiệp - thương mại bền vững.
Đồng Nai với những lợi thế từ cơ sở hạ tầng cũng như vị trí địa lý đang được kỳ vọng tiếp tục thực hiện tốt các kế hoạch của mình.
Đồng Nai ưu tiên chào đón các dự án có công nghệ cao
Đồng Nai ưu tiên chào đón các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, công nghiệp phụ trợ

Xây dựng công nghiệp hiện đại

Với quy hoạch 39 khu công nghiệp Đồng Nai (KCN) và gần 19.000 ha, Đồng Nai đang là tỉnh có nền công nghiệp mạnh trong khu vực Đông Nam Bộ, cũng như cả nước. Tính đến cuối tháng 3-2022, tỉnh Đồng Nai có cộng đồng nhà đầu tư và doanh nghiệp đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp vị trí thứ 4 của cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Số lượng dự án FDI với 1.800 dự án, đặc biệt có nhiều thương hiệu lớn trên thế giới. Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2021 ước đạt gần 708 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 4,4% so với năm trước đó. Tỷ trọng của công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế Đồng Nai chiếm hơn 60%.
Hiện tại, tỉnh Đồng Nai đang có chủ trương lựa chọn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào địa bàn, từ chối kiên quyết các dự án có tác động xấu đến môi trường, gây ô nhiễm, đồng thời sử dụng nhiều lao động và ứng dụng công nghệ lạc hậu. Đồng Nai ưu tiên chào đón các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, công nghiệp phụ trợ, gắn kết và tương quan với chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; đồng thời các doanh nghiệp cũng cần có lộ trình trong chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, Đồng Nai rất chú trọng thu hút các dự án lớn, các dự án của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các cơ quan, trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Đồng Nai nhằm tận dụng cơ sở đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành sân bay quốc tế Long Thành.
Song song đó, Đồng Nai cũng đang từng bước phát triển số lượng DN tư nhân đông đảo, nhằm hỗ trợ và hợp tác làm ăn với các dự án công nghiệp lớn, công nghiệp hiện đại từ các DN, nhà đầu tư lớn của nước ngoài vào địa phương. Cụ thể là Đồng Nai đã ban hành đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh đã tập trung hỗ trợ DN ở các lĩnh vực như: bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với DN ngành công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN, nâng cao chất lượng lao động; hỗ trợ pháp lý… Trọng tâm của nhiệm vụ hỗ trợ trên là giúp các hộ kinh doanh cá thể tiến lên DN nhỏ và vừa, đồng thời hỗ trợ DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị... Mục tiêu của Đồng Nai là phấn đầu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ xây dựng được 65,5 ngàn DN nhỏ và vừa, tạo việc làm cho trên 265 ngàn lao động.
Bên cạnh việc thu hút đầu tư vào các KCN hiện hữu và những vùng có nhiều lợi thế, Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh dịch chuyển cơ cấu công nghiệp, hướng vùng phát triển công nghiệp về các vùng nông thôn. Các khu vực nông thôn còn nhiều quỹ đất sẽ được tập trung phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch thêm các KCN. Đây sẽ là địa bàn tập trung hình thành các cụm công nghiệp chuyên về sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản, công nghiệp giá trị công nghệ cao và góp phần tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trong ngắn và dài hạn, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhận định Đồng Nai đều sở hữu các tiềm năng lớn về hạ tầng, cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo nên vận hội mới cho sự phát triển bền vững. Đồng Nai khuyến khích các DN tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và sản xuất tại địa phương, đồng thời coi sự thành công của DN chính là thành công của Đồng Nai. Với cơ sở đó, lãnh đạo và chính quyền Đồng Nai luôn nỗ lực nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của DN để xây dựng quy trình và chính sách hỗ trợ phù hợp.

Mở rộng hơn nữa hệ thống thương mại

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng là một thành phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Thời gian qua, lĩnh vực này đang ngày càng phát triển với hệ thống mạng lưới phân phối bán buôn và bán lẻ rộng khắp, đa dạng về quy mô và hình thức, chất lượng hàng hóa và dịch vụ ngày càng đi lên.
Báo các từ Sở Công thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2015-2020 bình quân đạt 11%/năm, tương ứng với mức tăng trưởng khá. Trong năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tăng hơn 2,4% so với năm 2020 và đạt hơn 187,8 ngàn tỷ đồng. Kết quả này dù chưa thật sự ấn tượng nhưng đã cho thấy nỗ lực rất lớn của tỉnh Đồng Nai khi thực hiện mục tiêu kép, vừa đồng lòng chống dịch, vừa cố gắng để kinh tế phát triển.
Trung tâm thương mại Big C Đồng Nai
Đồng Nai bắt đầu xuất hiện siêu thị Cora vào năm 1997 (nay cũng là Trung tâm thương mại Big C Đồng Nai) ở góc ngã tư Vũng Tàu)
Về cơ sở hạ tầng thương mại - dịch vụ, Đồng Nai hiện có 139 chợ còn đang hoạt động. Trong số này có 1 chợ đầu mối, 7 chợ hạng I, 29 chợ hạng II và 102 chợ hạng III. Đặc biệt là chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (giai đoạn 1) đã đi vào hoạt động kể từ tháng 6/2017.
Đại diện chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) cho biết, kể từ khi hoạt động giai đoạn 1 từ năm 2016, mỗi ngày chợ tiêu thụ trung bình khoảng 50-250 tấn nông sản, giai đoạn cao điểm có thể tiêu thụ khoảng 300-400 tấn/ngày. Tỷ trọng nông sản trong nước được tiêu thụ tại chợ chiếm khá cao, vào khoảng 80-85%.

>> Xem thêm: Đồng Nai xây dựng khu công nghiệp sinh thái

Về thành phần kênh bán lẻ hiện đại, Đồng Nai bắt đầu xuất hiện siêu thị Cora vào năm 1997 (nay cũng là Trung tâm thương mại Big C Đồng Nai) ở góc ngã tư Vũng Tàu). Đây là một trong những siêu thị đúng nghĩa đầu tiên ở Đồng Nai nói riêng, cũng như ở Việt Nam nói chung. Tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai đã mở rộng mạng lưới lên 12 siêu thị và 6 trung tâm thương mại.
Ngoài các siêu thị và trung tâm thương mại, Đồng Nai đã xuất hiện và đang phát triển mạnh nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini trên địa bàn, đặc biệt là các huyện vùng xa. Số lượng chuỗi cửa hàng và siêu thị tiện lợi này đã phát triển đến con số 256, bao gồm các hệ thống như: Bách Hóa Xanh, Winmart, Co.op Food, Porkshop, GS25...
Phó tổng giám đốc ngành kinh doanh thực phẩm Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (KCN Biên Hòa 2) - ông Nguyễn Trọng Trí cho biết, từ cuối năm 2017, công ty này bắt đầu phát triển chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Pork Shop tại Đồng Nai. Sau gần 5 năm, số lượng cửa hàng đã phát triển lên đến con số 50, bắt đầu từ các thành phố lớn và lan rộng ra địa bàn huyện, các khu vực đông dân cư…
Những năm gần đây, các hoạt động kết nối người tiêu dùng với các nhà sản xuất tại địa phương, nâng cao giá trị thương hiệu Việt liên tục được các sở, ngành địa phương trong tỉnh đẩy mạnh. Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tạo được sự đồng thuận hưởng ứng và sự tin tưởng của người dân. Theo đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ truyền thống trong tỉnh, tỷ lệ hàng Việt trên các kệ hàng đang chiếm khá cao, từ 80-90%. Đặc biệt, các đơn vị luôn đề cao chất lượng sản phẩm, cơ sở vật chất để phục vụ người tiêu dùng, thường xuyên xây dựng các chương trình kích cầu, khuyến mãi dành cho hàng Việt, kết nối các sản phẩm địa phương vào siêu thị…
 

Tác giả bài viết: Vương Thế - Hải Quân

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Tin tức khác

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao...

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây