Tây Nguyên tăng tốc khi hạ tầng giao thông được tháo gỡ nút thắt

26/04/2022
Một loạt thay đổi trong hạ tầng giao thông hứa hẹn sẽ mang đến những diện mạo tích cực cho khu vực Tây Nguyên. Có thể kể ra các dự án như cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa, Dầu Giây - Liên Khương, Đắk Nông - Bình Phước, đường sắt kết nối Đông Nam Bộ, các sân bay được mở rộng…
Ngày 14/4, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong số đó, mục tiêu quan trọng bậc nhất chính là cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp kinh tế - xã hội với vùng Tây Nguyên, tương ứng với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Một loạt các kế hoạch xây dựng đường cao tốc mới, cũng như các đề xuất nâng cấp mới mạng lưới giao thông nội vùng, tạo thêm các điểm và tuyến kết nối liên vùng giữa Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, ven biển Nam Trung Bộ với Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
TP Đà Lạt, một trong những trung tâm kinh tế vùng Tây Nguyên.
TP Đà Lạt, một trong những trung tâm kinh tế vùng Tây Nguyên.
Khu vực Tây Nguyên gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với tổng diện tích tự nhiên hơn 54.000 m2, có vị trí thứ 3 trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
So với mức bình quân, khu vực Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, người dân có mức sống thấp, tay nghề lao động chưa cao, trong khi đó hệ thống giao thông đường bộ còn nhiều điểm yếu, đặc biệt chưa có tuyến cao tốc nào kết nối với khu vực Tây Nguyên.

Chuyển biến tích cực từ hạ tầng

Tuyến đường huyết mạch Hồ Chí Minh - QL14 kết nối các tỉnh Tây Nguyên bắt đầu từ Kon Tum và kết thúc tại Bình Phước, dài 663 km chính thức thông xe vào tháng 7/2015. Tuyến đường này có những đóng góp quan trọng khi kết nối Tây Nguyên với hai trung tâm kinh tế ở hai đầu là TP HCM và Đà Nẵng. Đồng thời tuyến đường mới cũng rút ngắn 1/3 quãng thời gian di chuyển giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh thành phía Nam, góp phần trong việc đảm bảo an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư cho các tỉnh Tây Nguyên.
Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Pleiku đi Kon Tum
Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Pleiku đi Kon Tum
Song song với QL1 ở phía Đông, tuyến đường Hồ Chí Minh ở phía Tây góp phần không nhỏ trong trục xương sống Bắc - Nam, tạo thế phát triển hệ thống đường ngang, trục hành lang Đông Tây, đường Xuyên Á kết nối thông thương với các nước láng giềng. Tuy nhiên ở hiện tại, nhiều đoạn của tuyến đã quá tải.
Cùng với đó đoạn QL26 nối Khánh Hòa với Đắk Lắk thuyền xuyên hư hỏng, khổ đường nhỏ hẹp khiến nhiều phương tiện đi lại khó khăn. Đoạn QL29 kết nối Phú Yên với Đắk Lắk cũng đang xuống cấp và chưa được mở rộng với quy mô đường cấp IV miền núi. Gia Lai và Bình Định cũng được kết nối thông qua QL19, nhưng cung đường này cũng khó khăn đi lại vì địa hình đèo dốc, hiện đang trong quá trình nâng cấp.
Đoạn QL24 còn lại từ tỉnh Kon Tum đi đến các tỉnh phía Bắc Tây Nguyên, các khu công nghiệp Dung Quất, các trung tâm kinh tế, các cảng biển lớn tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định vẫn chưa thể nâng cấp do trì hoãn bố trí vốn đầu tư.
Tuy nhiên, tương lai của khu vực Tây Nguyên hứa hẹn nhiều thay đổi tích cực khi một loạt các dự án về hạ tầng được triển khai. Các cao tốc kết nối liên vùng dự kiến triển khai như cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa, Dầu Giây - Liên Khương, Đắk Nông - Bình Phước… Chưa kể tuyến đường sắt kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ cũng đã có chủ trường đầu tư, một số sân bay cũng dự kiến nâng cấp, mở rộng.

Xem thêm: Danh sách đầu tư dự án Bình Phước

Trong tháng 3 vừa qua, khi thị sát và kiểm tra Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục để sớm triển khai xây dựng dự án tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Theo quy hoạch tổng thể hệ thống cao tốc, tuyến đường cao tốc trên có chiều dài hơn 117 km, đoạn qua Đắk Lắk dài hơn với 84 km, trong khi đoạn qua Khánh Hòa dài khoảng 33 km.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột được thiết kế giai đoạn đầu 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng 17 m và có các điểm dừng khẩn cấp. Ở giai đoạn 2, cao tốc sẽ được mở rộng lên 4 làn hoàn chỉnh với làn dừng khẩn cấp kéo dài suốt tuyến. Dự án sẽ có tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, sử dụng ngân sách nhà nước. Thời gian khởi công và hoàn thành sẽ kéo dài từ 2023 - 2027.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò chiến lược của Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, nhằm phát huy mọi tiềm năng và lợi thế của khu vực Tây Nguyên cũng như Vân Phong. Ngoài ra, dự án còn có ý nghĩa liên thông với các tuyến cao tốc, các dự án giao thông trọng điểm khác để tạo nên bức tranh phát triển toàn diện.
Dự án cao tốc thứ 2 cũng được chờ đợi rất lớn là cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với chiều dài hơn 201 km kết nối Đồng Nai và Lâm Đồng. Dự án sẽ được chia làm 3 đoạn với 3 gói đầu tư khác nhau. Đoạn 1 từ Dầu Giây đến Tân Phú (Đồng Nai); đoạn 2 từ Tân Phú đến Bảo Lộc (Lâm Đồng); và đoạn 3 từ Bảo Lộc đến Liên Khương.
Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương cũng được kỳ vọng hoàn thành trước 2025, nhằm tăng cường kết nối hệ thống giao thông giữa Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên, tạo thêm huyết mạch lưu thông bên cạnh QL20 vốn đã quá tải suốt nhiều năm. Từ đó tạo nên động lực hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực.
Quốc lộ 20 đoạn đi qua đèo Bảo Lộc
Quốc lộ 20 đoạn đi qua đèo Bảo Lộc
Hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước cũng đang hướng đến hợp tác xây dựng và triển khai cao tốc có chiều dài 212 km. Đoạn trên địa bàn Đắk Nông dài 110 km trong khi đoạn còn lại trên địa bàn Bình Phước có chiều dài 102 km. Đoạn đầu của tuyến cao tốc trên sẽ kết nối với đường Hồ Chí Minh tại Đắk Lắk, giao cắt quốc lộ 28 (Đăk Nông). Trong khi đó điểm cuối sẽ nối vào đường Hồ Chí MInh tại huyện Chơn Thành (Bình Phước).
Đoạn cao tốc trên sẽ có quy mô 4-6 làn xe với tốc độ thiết kế 80-100 km/h. Bình Phước và Đắk Nông cũng đều mong muốn tuyến đường có thể hoàn thành trước 2030 và theo hình thức PPP, có sự tham gia của nhà nước. Hiện tại, dự án cao tốc Đắk Nông - Bình Phước vẫn đang tìm đơn vị chuyên môn nhằm dự toán tổng vốn cần triển khai.

Xem thêm: Khu công nghiệp Bình Phước

Khi hình thành, đoạn cao tốc cũng sẽ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ hai tỉnh biên giới giáp Campuchia về TP HCM, kết nối hướng về sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Tại Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Tây Nguyên sẽ có gần 500 km tuyến cao tốc Bắc Nam phía tây đi qua địa bàn. Đoạn đầu sẽ từ Ngọc Hồi (Kon Tum) và kết thúc tại Chơn Thành (Bình Phước). Cao tốc đi qua khu vực Tây Nguyên sẽ được thiết kế với 6 làn xe, và tiến hành đầu tư trước năm 2030.
Ngoài cao tốc theo trục dọc, Tây Nguyên còn được quy hoạch kết nối theo trục ngang với các tỉnh duyên hải miền Trung. Có thể kể ra cao tốc Quy Nhơn - Lệ Thanh (Gia Lai) dài 230 km; tuyến Đà Nẵng - cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) dài 281 km; tuyến Phú Yên - Đắk Lắk dài 220 km; tuyến Nha Trang - Liên Khương - Buôn Ma Thuột 200 km. Tất cả đều có thiết kế cao tốc 4 làn xe và được đầu tư sau năm 2030.
Đường tránh phía Tây TP Buôn Ma Thuột giảm thiểu áp lực giao thông cho trung tâm thành phố
Đường tránh phía Tây TP Buôn Ma Thuột giảm thiểu áp lực giao thông cho trung tâm thành phố
Ngoài ra, hệ thống giao thông nội vùng, liên huyện, liên tỉnh cũng được chú trọng nâng cấp. Ví dụ đường tránh Tây thị xã Buôn Hồ; đường tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo), đường tránh phía Tây và đường Đông Tây TP Buôn Ma Thuột, đường vành đai Đà Lạt, mở rộng đèo Prenn, đường tránh đô thị, các tuyến đường đô thị tại TP Đà Lạt và Bảo Lộc,  tỉnh lộ 668 (Gia Lai) và tỉnh lộ 695 (Đắk Lắk)... Sau khi hoàn thiện, các tuyến đường trên sẽ góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ những nút thắt về hạ tầng giao thông cho khu vực Tây Nguyên.
Không chỉ giao thông với các tỉnh, mà giao thông đường bộ với các nước láng giếng Lào, Campuchia cũng sẽ được thay đổi, nâng cấp đáng kể. Cụ thể là dự án nâng cấp và mở rộng QL19 tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên dự kiến sẽ được triển khai với số vốn hơn 3.600 tỷ đồng. Chiều dài toàn tuyến vào khoảng 143 km.
Về giao thông đường hàng không, ba sân bay dân dụng tại khu vực Tây Nguyên cũng sẽ được nâng cấp để gia tăng năng lực khai thác. Sân bay Buôn Ma Thuột đang có vị trí chiến lược khi lưu lượng khách tăng dần qua các năm. Sân bay này cũng đủ điều kiện để khai thác các chuyến bay quốc tế ở thời điểm hiện tại. Hiện tại có các đường bay đi và đến 7 tỉnh thành phố tại Việt Nam kết nối với sân bay này, bao gồm TP HCM, Hà Nội, Vinh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa và Cần Thơ.
Trong tháng 3/2022, tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị chủ trương đầu tư và nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương với chi phí 4.300 tỷ đồng với huy động 100% nguồn vốn của nhà đầu tư. Sau nâng cấp, sân bay này có khả năng khai thác với công suất 5 triệu hành khách/năm vào năm 2030. Các hạng mục cần đầu tư gồm hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ đồng bộ
Ngoài hai sân bay trên, Cảng hàng không quốc tế Pleiku cũng nằm trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030. Cụ thể sân bay sẽ được mở rộng công suất dự kiến 2 triệu khách/năm cho giai đoạn 2020 và 4 triệu khách cho giai đoạn 2030.
Hạ tầng đường sắt cũng là hạng mục được kêu gọi đầu tư tại khu vực Tây Nguyên. Với việc ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, khu vực Tây Nguyên dự kiến sẽ có thêm đường sắt Chơn Thành (Bình Phước) - Đắk Nông với chiều dài 67 km; khổ đường 1,435 m, tổng vốn đầu tư 715 triệu USD. Dự án này sẽ được kêu gọi đầu tư dưới hình thức đối tác công tư (PPP).
Ngoài tạo điều kiện di chuyển thuận lợi giữa Bình Phước và Đắk Nông, dự án đường sắt Chơn Thành (Bình Phước) - Đắk Nông còn có mục tiêu kết nối với tuyến đường sắt xuyên Á, nhằm phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa từ các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Tây Nguyên.

Nhiều ông lớn bất động sản đang nhắm vào khu vực Tây Nguyên

Với tiềm năng chưa khai thác đúng mức về kinh tế, du lịch, trong khi quỹ đất còn khá dồi dào, kết hợp với một loạt dự án hạ tầng giao thông được lên kế hoạch, đã giúp Tây Nguyên trở thành điểm đến được nhiều nhiều doanh nghiệp và giới đầu tư bất động sản hướng đến.
Lâm Đồng là hình mẫu tiêu biểu khi liên tục thu hút được nhiều ông lớn như Hưng Thịnh, Đèo Cả, T&T, Ecopark, Novaland, FLC, Him Lam... Chưa kể số lượng khá nhiều các doanh nghiệp BĐS khác đang xem xét và khảo sát môi trường đầu tư, nhằm triển khai nhiều dự án quy mô lớn như du lịch sinh thái, dịch vụ nghỉ dưỡng, khu đô thị.
Vừa qua, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng vừa được Liên danh Hưng Thịnh - Đèo Cả - Nam Miền Trung đề xuất chủ trương cho phép nghiên cứu và lập quy hoạch dự án với diện tích lên đến 15.000 ha.
CTCP Đầu tư Phát triển Nam Miền Trung Lâm Đồng cũng có đề xuất được tài trợ nghiên cứu và khảo sát để lập đồ án quy hoạch Khu đô thị du lịch Liên Nghĩa với diện tích 355 ha. Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng dự kiến khảo sát để lên phương án quy hoạch cho khu đất 4.319 ha tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt.
CTCP Sacom Tuyền Lâm, một thành viên trong Sam Holdings cũng hướng đến khu đất 1.034,5 ha tại Bảo Lộc để triển khai quy hoạch Khu đô thị, du lịch và dịch vụ. Ngoài việc tài trợ lập quy hoạch, đơn vị này cũng mong muốn được đầu tư dự án trên khu đất sau khi phê duyệt quy hoạch
Huyện Di Linh được Công ty TNHH Hoàng Huy Lộc đề xuất lập quy hoạch phân khu Khu dân cư thị trấn Di Linh với diện tích khoảng 200 ha. Đơn vị khác là Vườn Thời Đại Việt Nam cũng đề xuất khảo sát, nghiên cứu và tài trợ kinh phí lập các đồ án quy hoạch tại các xã Hòa Trung, Liên Đầm và Bảo Thuận quy mô 4.000 ha. Trong số này, quy hoạch khu đô thị và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chiếm tỷ trọng lớn với quy mô lên đến 3.500 ha.
Khu quần thể vui chơi giải trí làng Thụy Sĩ tại khu vực Hồ Đa Khai (Hồ Đa Nhim Thượng), huyện Lạc Dương cũng đang nằm trong dự án xin phép đầu tư của Liên danh Lã Vọng Group và CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị Hoàng Mai. Quy mô dự kiến của dự án vào khoảng 1.865 ha.
Dự án với tên gọi hồ Đăk Long Thượng đang được Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va đề xuất khảo sát, nghiên cứu, lập quy hoạch với diện tích khoảng 30.000 ha tại huyện Bảo Lâm.
TP.Bảo Lộc có 2 dự án được Ecopark tìm hiểu và dự kiến đầu tư là Khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung và Khu đô thị, dịch vụ giải trí – nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2.
Tây Nguyên có lợi thế về phát triển du lịch. (hồ Tà Đùng)
Tây Nguyên có lợi thế về phát triển du lịch. (hồ Tà Đùng)
Kon Tum cũng được các doanh nghiệp Hưng Thịnh, Him Lam, FLC, Vinaconex, Aphalnam hay Đức Long Gia Lai… khảo sát và lựa chọn các dự án đúng với nhu cầu.
Trong năm 2021, Kon Tum đã cấp phép cho Tập đoàn Hưng Thịnh khảo sát đầu tư KĐT phía Bắc sông Đăk Bla tại TP Kon Tum. Công ty Cổ phần Him Lam cũng dự định đầu tư Khu biệt thự sinh thái tại xã Chư Hreng, TP Kon Tum và đang tiến hành khảo sát.
Tập đoàn FLC cũng có buổi làm việc với tỉnh Kon Tum vào đầu tháng 4/2021 với kế hoạch xúc tiến đến 7 dự án trên 3 địa bàn: TP Kon Tum, huyện Kon Plông và huyện Tu Mơ Rông.
Đắk Lắk cũng là địa phương được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tập đoàn T&T đang đề xuất 5 dự án sẽ triển khai tại TP.Buôn Ma Thuột gồm KĐT thương mại dịch vụ Ea Tam (51,6 ha); Tổ hợp khách sạn 5 sao, khu thương mại và nhà ở thương mại (42 ha); khu biệt thự Ea Kao (46,1 ha); Khu sân Golf hồ Ea Kao (76,7 ha) và Trung tâm văn hoá tỉnh Đắk Lắk.
FLC cũng không đứng ngoài cuộc với 6 dự án tại tỉnh này gồm Tổ hợp du lịch sinh thái vui chơi giải trí và sân golf hồ Ea Nhái; KĐT sinh thái hồ Ea Tam; KĐT mới Tây Tân Lợi; KĐT mới đường Đông Tây; KĐT phía Nam đường Đông Tây và KĐT phía Bắc đường Đông Tây.
Tân Thành Holdings cũng tìm kiếm cơ hội tại Đắk Lắk khi có buổi làm việc với UBND tỉnh vào tháng 3 năm ngoái. Tập đoàn này dự kiến thành lập 4 dự án tại đây gồm dự án dược liệu, bất động sản sinh thái, dự án điện mặt trời và đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang.
Trong số các DN đã hoàn tất các khảo sát và lập đề án đầu tư, tỉnh Đắk Lắk đã chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Khu nhà ở thương mại Tây Nam hồ Lắk và Khu nhà ở thương mại trung tâm thị trấn Liên Sơn của Tập Đoàn Tân Á Đại Thành; Khu thể thao, dịch vụ và nghỉ dưỡng tại thị trấn Liên Sơn của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn.
Đắk Nông cũng được nhiều doanh nghiệp khá quan tâm về tình hình đầu tư. Trong tháng 4/2021, đồ án quy hoạch KĐT du lịch sinh thái hồ Đắk R’Tih 2 tỷ USD của Tập đoàn T&T chính thức được công bố. Ngoài ra, Đắk Nông cũng phê duyệt dự án Khu dân cư tổ 5, phường Phú Nghĩa (TP Gia Nghĩa) của CTCP Bamboo Capital.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông được tổ chức vào đầu năm 2019, Tập đoàn FLC đã ký biên bản cam kết đầu tư dự án Khu Đô thị mới bờ Đông hồ Gia Nghĩa; Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ nhà phố FLC Center Point Đắk Nông; Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Tà Đùng; Khu du lịch sinh thái thác Liêng Nung; dự án Nông nghiệp công nghệ cao FAM - Đắk Nông. Tổng số vốn đầu tư cho 5 dự án trên dự kiến lên đến 19.900 tỷ đồng.
Tập đoàn FLC cũng dự kiến đầu tư 5 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản tại tỉnh Gia Lai. Các dự án gồm Tổ hợp khách sạn 5 sao và nhà phố thương mại với quy mô 4,6 ha; khu đô thị thông minh CK54 với tổng diện tích 230 ha; khu dân cư đường Nguyễn Chí Thanh trên diện tích 8 ha và dự án Tháp đôi 30 tầng trên quy mô 1,6 ha; khu phức hợp sân Golf huyện Đak Đoa với diện tích hơn 500 ha; dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao dự kiến đầu tư trên diện tích gần 2.000 ha ở xã Ia Mơr, huyện Chư Prông.
Hiện tại đã có 2 dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai gồm sân golf Đak Đoa (gồm sân golf, khu biệt thự nhà ở thuộc khu phức hợp Đak Đoa, tổ hợp thương mại dịch vụ thuộc khu phức hợp Đak Đoa) và Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại tại TP Pleiku. Cả hai dự án trên có tổng mức đầu tư lên đến hơn 1.900 tỷ đồng.
 

Tác giả bài viết: Hồng Quân

Nguồn tin: Vietnammoi

Tin tức khác

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao...

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây