Những xu hướng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Á và Việt Nam

02/12/2021
Cùng với các cân nhắc kinh tế vĩ mô và chiến lược doanh nghiệp, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có những xu hướng mới vào Châu Á nói chung, cũng như Việt Nam nói riêng.

Những tác động ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Mặc dù những nghiên cứu trước đây có chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định FDI của một doanh nghiệp đa quốc gia (MNE), tuy nhiên các yếu tố này chỉ áp dụng trong một bối cảnh cụ thể hoặc chỉ ảnh hưởng đến việc gia nhập thị trường ban đầu. Trong khi đó, rất khó nắm bắt một công thức lý thuyết toàn diện để phân tích các mô hình FDI trên các khu vực địa lý khác nhau.
Các mô hình FDI cần được xem xét liên tục cũng như cân nhắc mọi yếu tố có thể thay đổi có lợi cho đầu tư ban đầu của doanh nghiệp MNE. Điều này sẽ khiến nảy sinh xu hướng chuyển khoản đầu tư sang các nơi khác. Ngoài ra, còn có một số yếu tố mới cũng thúc đẩy sự dịch chuyển tương tự. Ví dụ tỷ lệ cạnh tranh ngày càng tăng tại địa điểm ban đầu, yêu cầu cắt giảm chi phí sản xuất cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp MNE tìm kiếm các địa điểm sản xuất có chi phí thấp hơn, cùng với đó là động thái đi bước trước nhằm chiếm lĩnh thị trường của các đối thủ.
Chính phủ cũng sẽ tác động khá lớn đến các quyết định về FDI, đặc biệt là khả năng tự do hóa chế độ đầu tư cũng như các biện pháp khác. Do đó, cần có cái nhìn tổng quan từ kinh tế vĩ mô, chiến lược doanh nghiệp nhằm phân tích sát thực tế trước xu hướng FDI vốn là một hiện tượng phức tạp, đa chiều.
Ngoài ra các tổ chức như Liên Hiệp Quốc cũng thường xuyên khảo sát, nghiên cứu cũng như công bố các dữ liệu FDI theo quốc gia. Các tài liệu này thường cho thấy xu hướng FDI gia tăng đáng kể vào một khu vực cụ thể, kéo theo là sự sụt giảm đầu tư ở các điểm đến phố biến khác. Các mô hình này cũng phác họa rõ nét các yếu tố quyết định FDI. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cơ sở và lý do ảnh hưởng đến các thay đổi của dòng vốn FDI, đồng thời phân tích sức hấp dẫn của thị trường Châu Á đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Các yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng FDI vào châu Á

1/ Vị trí đầu tư

Các doanh nghiệp đa quốc gia MNE sẽ đánh giá các điểm đến cho dòng vốn đầu tư trực tiếp FDI theo khu vực, thay vì đánh giá riêng lẻ từng quốc gia. Sở dĩ có điều này vì các quốc gia có vị trí địa lý gần nhau thường tương đồng về văn hóa, chính trị, kinh tế cũng như trình độ phát triển. Điều này tạo nên sự đồng nhất đáng kể để xây dựng các chính sách thương mại và đầu tư của MNE.
Sự đồng nhất mang lại lợi ích tích lũy cho các MNE nhờ cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, tự do thương mại trong nội khối tạo thêm cơ hội kết nối. Một số khu vực nổi bật hiện nay như Tây Âu (EU), Đông Á (ASEAN), Nam Á (SAARC), Đông  u, Mỹ Latinh…
Theo Báo cáo “Xu hướng FDI Nhật Bản tại các nước Đông Nam Á” của GS. Yasuhiro Yamada, Đại diện Viện Nghiên cứu Hội nhập Đông Á (ASEAN - Japan), khu vực Đông Nam Á đang dẫn đầu tăng trưởng kinh tế bền vững toàn cầu suốt 3 thập kỷ vừa qua. Minh chứng rõ nhất là thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam tăng từ 1.120 USD lên mức 1.990 USD trong giai đoạn 2009 - 2015. 
Đây là mức thu nhập thuộc ngưỡng các nước trung lưu và Việt Nam có tiềm năng tăng thu nhập bình quân đầu người lên 12.745 USD trong tương lai. Ngoài ra, các chính sách tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, cải thiện đổi mới và phát triển môi trường kinh doanh là những thông tin hấp dẫn giới đầu tư toàn cầu.
PGS. Atsuji Ohara - Đại học Nagasaki (Nhật Bản) trong đề tài nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, Châu Á cũng là một thị trường tiềm năng thu hút giới đầu tư Nhật Bản. Với mạng lưới khách hàng mới, các nhà đầu tư dễ dàng tận dụng nguồn vốn để mở rộng thương hiệu, cùng mô hình kinh doanh. Cụ thể là các nhà bán lẻ Nhật Bản đang đầu tư mạnh vào thị trường Đông Nam Á và giảm dần sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Xem thêm: Nhà đầu tư chuyển hướng về khu công nghiệp mới
xu hướng dòng vốn fdi vào châu Á 1
 

2/ Áp lực giảm chi phí

Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia là những thị trường khổng lồ được các doanh nghiệp đa quốc gia MNE đầu tư rất lớn vào cuối những năm 1980. Các nước này xây dựng hàng rào thuế quan rất cao để ngăn chặn hàng hóa nước ngoài. Chính điều này buộc các MNE phải xây dựng cơ sở sản xuất tại các địa phương này.
Tuy nhiên việc cạnh tranh gay gắt với các đối thủ địa phương khiến các doanh nghiệp đa quốc gia buộc phải tìm kiếm sự hiệu quả từ các quốc gia khác vốn có mức lương thấp hơn để giảm chi phí. Điều này đã được các MNE của Hoa Kỳ thực hiện khi chuyển dịch cơ cấu FDI từ Tây  u qua các quốc gia Châu Á có GNP thấp, nhằm tận dụng mức lương thấp, mặc dù các thị trường kém hấp dẫn hơn. 
Theo nhận định của Hội nghị Liên Hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD/CNUCED), Trung Quốc, Hàn Quốc và nhất là Đông Nam Á, trở thành những địa bàn hoạt động lý tưởng. Trong năm 2013, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu đạt 1.450 tỷ USD. Trong đó, Châu Á chiếm đến 426 tỷ USD, tương đương gần 30% số FDI toàn cầu.
Tuy nhiên tính riêng lẻ, Trung Quốc là quốc gia xếp số 1 toàn cầu khi chiếm 124 tỷ USD vốn FDI, chưa kể Hồng Kông và Đài Loan. Như vậy, Trung Quốc chiếm đến ⅓ tổng vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực Châu Á và chiếm 14,5% toàn cầu.

3/ Môi trường đầu tư tự do

Các chính sách tự do hóa thân thiện với nhà đầu tư cũng đóng một vai trò rất quan trọng khi các MNE tìm kiếm thị trường nước ngoài để chuyển vốn FDI.
Trong quá khứ, khu vực châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi từng mắc sai lầm với khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Và điều này tạo điều kiện cho các nước Tây  u nhận các khoản đầu tư lớn. Và sau sự sụp đổ của các nền kinh tế kế hoạch đã tạo ra làn sóng mở cửa, trong đó Trung Quốc và các nước ASEAN là các trường hợp tiêu biểu.
Các nước này tích cực thành lập các cơ quan thu hút FDI. Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do FDI mang lại ở khu vực này dần dần khiến các nước đang phát triển khác cũng phải gia nhập vòng xoáy tự do hóa.
Malaysia tạo ra chế độ tự do với đầu tư nước ngoài, đặc biệt giai đoạn cuối thập niên 80. Quốc gia này tiếp tục tự do các chính sách, đảm bảo ưu đãi và cơ sở vật chất, tăng cường xúc tiến đầu tư… Kết quả là vốn FDI đổ vào lĩnh vực sản xuất tăng đáng kể, góp phần cho sự tăng trưởng GDP, đồng thời giúp Malaysia chuyển đổi cả cơ cấu kinh tế từ nền sản xuất thô sơ nâng lên nền kinh tế công nghiệp hóa.
Trung Quốc dè dặt hơn với việc thử nghiệm mô hình Khu kinh tế đặc biệt - SEZ từ 1979 - 1985. Và sự thành công của 4 đặc khu kinh tế đã thúc đẩy chính phủ Trung Quốc mở rộng ra 14 thành phố mở duyên hải trong năm 1984. Năm 1992, Trung Quốc tiếp tục chính sách đổi mới với mục tiêu “xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Sau cột mốc này, chính quyền trung ương đã phân quyền cho các chính quyền địa phương nhằm tự do xây dựng các chính sách kích thích đầu tư FDI.
Vào năm 1997, sau sự kiện gia nhập WTO, Trung Quốc trở thành điểm đến hàng đầu thu hút FDI của thế giới. Theo nghiên cứu của UNCTAD, có 400 trong số 500 công ty đa quốc gia lớn nhất đã đầu tư vào Trung Quốc.
Việt Nam cũng được đánh giá cao trong việc mở cửa nền kinh tế đón dòng vốn FDI. Tham gia cộng đồng ASEAN là một thành công lớn, nhờ đó Việt Nam được hưởng các hiệp định thương mại tự do nội khối, cũng như chuỗi hiệp định thương mại tự do "ASEAN + 1" (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ,…).
Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực đàm phán để tham gia các Hiệp định thương mại có giá trị như CPTPP tiêu chuẩn cao, RCEP bao gồm Trung Quốc, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU. Bên cạnh đó Việt Nam cũng được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Các biện pháp tự do hóa thương mại của Việt Nam ngoài việc giảm chi phí, còn tạo nên lực đẩy cho việc cải cách trong nước, chính sách mở cửa chất lượng cao, tạo nên chuỗi công nghiệp đa dạng và bền vững. Chính trị ổn định và phạm vi đầu tư rộng cũng là một trong những lợi thế thu hút của Việt Nam. Theo Chỉ số hạn chế FDI năm 2019 do OECD tổng hợp, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore và Myanmar trong khối ASEAN, và xếp trên Trung Quốc trong việc cởi mở với đầu tư nước ngoài.
xu hướng dòng vốn fdi vào châu Á 2
 

4/ Sự gần gũi về văn hóa

Yếu tố gần gũi với văn hóa nước sở tại sẽ quyết định đáng kể đến FDI. Tuy nhiên việc đề cao chuẩn mực toàn cầu đang giảm dần ảnh hưởng khoảng cách văn hóa trong lĩnh vực đầu tư FDI. Các doanh nghiệp MNE sẵn sàng lựa chọn các nước có khác biệt lớn để ủng hộ lợi thế về mức lương thấp của họ.
Nhật Bản là một ví dụ tiêu biểu về việc lựa chọn các nước ASEAN cho các dự án đầu tư. Quốc gia này đầu tư từ những năm 1950, và tính đến năm 2014, tổng vốn đầu tư đã tăng lên 35,57 tỷ USD, gấp gần 5 lần so với thời điểm 10 năm trước đó. Con số này chiếm đến 54% đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tại châu Á. Trong năm 2018, Nhật Bản đầu tư tại ASEAN tiếp tục duy trì gần 30 tỷ USD, nhưng chiếm đến 56% đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tại châu Á.
Nhật Bản cũng tích cực xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với ASEAN. Chỉ trong 6 năm từ 2002 - 2008, Nhật Bản đã thiết lập hợp tác kinh tế với tất cả thành viên ASEAN. Nhật Bản cũng hợp tác với ASEAN qua các khuôn khổ Hành lang Kinh tế Đông - Tây, Hành lang Kinh tế phía Nam (với các quốc gia lục địa của ASEAN) và Hành lang Kinh tế ASEAN.

5/ Chu kỳ đầu tư - phát triển

Việc tìm kiếm các thị trường mới của các doanh nghiệp MNE cũng có thể vận hành theo tính chu kỳ và lặp lại. Lý do là các MNE không muốn nhường thị trường mới cho các đổi thủ và buộc phải theo chân họ. Kéo theo sau là một loạt các hoạt động gia tăng kinh tế, lương lao động tăng và các MNE cũng đối mặt với áp lực cạnh tranh tại các khu vực FDI mới. 
Hiện tại, chu kỳ đầu tư tại Việt Nam phần lớn do các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc dẫn đầu. Các doanh nghiệp này phần lớn là đầu tư tư nhân dưới 100 triệu USD, và chủ yếu trong ngành dệt may. Các doanh nghiệp này cũng cân nhắc vào Việt nam vì bối cảnh thay đổi bên trong và bên ngoài của nền chuyển giao công nghiệp thụ động. Các doanh nghiệp này cũng dịch chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam nhằm tránh thuế cao từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, và cũng bởi sau làn sóng chi phí nhân công cũng như đất đai tại Trung Quốc tăng cao, dẫn đầu là các công ty Mỹ.
Việt Nam cũng là một trong những thị trường tiềm năng, có nhiều cơ hội tăng trưởng. Dân số Việt Nam gần 100 triệu người và có sức tiêu dùng rất lớn; GDP bình quân đầu người tương đương thời điểm 2006 của Trung Quốc. Ngoài ra, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam chỉ là 36,6% và còn cải thiện được trong tương lai nếu so với các nước có thu nhập trung bình tương đương.
Hiện tại, Việt Nam đang là điểm nóng về đầu tư nước ngoài. Các công ty Nhật Bản được chính phủ hỗ trợ 2,2 tỷ USD để di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc và một nửa trong số 30 công ty sẽ đến Đông Nam Á cũng như Việt Nam. Kế đến là một loạt các tín hiệu bởi Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020; Samsung Hàn Quốc chuyển toàn bộ mảng điện tử tiêu dùng sang Việt Nam...

6/ Sự ổn định chính trị

Sự ổn định chính trị, xã hội cùng các hoạt động hội nhập kinh tế liên tục diễn ra khiến nguồn vốn đầu tư nước ngoài của thế giới hướng về châu Á.
Tại Đông Nam Á, Singapore là nơi thu hút FDI cao nhất trong khu vực, với 64 tỷ USD được đầu tư, hấp dẫn hơn nhiều so với 2 nước lân cận là Indonesia (19 tỷ USD) và Malaysia (22 tỷ USD).
Thái Lan là một ví dụ về sự bất ổn chính trị ảnh hưởng đến đầu tư FDI. Quốc gia này gặp bất ổn chính trị trong 6 tháng cuối năm 2013 khiến tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ đạt 13 tỷ USD. Ngoài Thái Lan, Malaysia và Philipin cũng đối mặt với sự bất ổn chính trị và nền kinh tế vận hành kém, thiếu lao động trình độ chuyên môn cao, tăng chi phí lao động.
Theo đánh giá của tổ chức UNCTAD, 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia vón duy trì được sự ổn định chính trị đã giúp đầu tư FDI vào các nước này tiếp tục ổn định và tăng trưởng.
xu hướng dòng vốn fdi vào châu Á 4
 

Bài học cho Việt Nam

Tính đến ngày 20/3/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2021 ước tính đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước (GSO). Các đối tác FDI vào Việt Nam chủ yếu là từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Trong khi các đối tác FDI hàng đầu từ phương Tây vẫn còn khá thấp.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia, Việt Nam có thể rút ra được những bài học cho riêng mình.
Thứ nhất, Việt Nam có thể xây dựng chiến lược tập trung ban đầu vào những khu vực có trọng điểm, sau đó mở rộng xúc tiến FDI tại các địa phương khác dựa trên mục tiêu của chính sách FDI.
Thứ hai, Việt Nam cần quan tâm đến chất lượng dự án đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng cường khả năng kết nối của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo ra cơ hội phát triển toàn diện và bền vững cũng như thúc đẩy hội nhập, mậu dịch tại khu vực châu Á và thế giới để lựa chọn kế hoạch đầu tư mới, mở rộng hợp tác và phát triển lâu dài.
Thứ ba, Việt Nam cần đẩy mạnh cải thiện thủ tục hành chính, xây dựng khung pháp lý, chính sách ưu đãi và tạo điều kiện cho lĩnh vực chế tạo, nhằm đón đầu làn sóng ưu tiên của Nhật Bản vào khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam cần tích cực đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tiếp đón dòng vốn FDI chất lượng cao đến từ các doanh nghiệp quốc tế, muốn giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Thứ tư, Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự ổn định chính trị - xã hội vốn được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao suốt thời gian qua. Sự thành công trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19 thời gian qua cũng là một trong những phép thử của nền kinh tế Việt Nam trước các cú sốc như thiên tai, dịch bệnh, thể hiện sự ổn định chính trị, tạo niềm tin mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.

Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Thu Hằng

Nguồn tin: Tạp Chí Tài Chính

Tin tức khác

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao...

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây