Sản xuất công nghiệp tỉnh Bình Dương tiếp tục khởi sắc

18/06/2022
Trong 4 tháng đầu năm, Bình Dương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao thể hiện nỗ lực bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, cũng như hiệu quả các giải pháp, đưa sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2022.

Tăng trưởng tích cực

Tình hình sản xuất công nghiệp tại Bình Dương trong tháng 4/2022 tiếp tục đạt kết quả khả quan, thể hiện sự phục hồi với sự khởi sắc từ các thị trường xuất khẩu quan trọng như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông. Các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực như chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ; máy móc thiết bị; giày dép, dệt may... có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới. Kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động từ các doanh nghiệp (DN) tăng cao nhằm đáp ứng các đơn hàng đã ký kết. Điều kiện thuận lợi còn đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới chính thức có hiệu lực giúp các DN dễ dàng tiếp cận và mở rộng thị trường. Hiệu quả cũng phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo từ bộ máy lãnh đạo tỉnh dựa trên phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc 1
Sản xuất tại Công ty TNHH Vị Hảo, TX.Tân Uyên
Trước kết quả khả quan từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng đầu năm 2022, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á - ông Hồ Song Ngọc cho biết, thị trường nội địa vẫn còn dư địa lớn tiếp tục là động lực để Tôn Đông Á gia tăng công suất, mở rộng thị phần và đầu tư. Nhà máy Tôn Đông Á thứ 3 chính là dự án mà Tôn Đông Á kết hợp với một công ty sản xuất thép hàng đầu thế giới kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu thép lá mạ sử dụng trong xây dựng và sản xuất công nghiệp thời gian tới. Theo thiết kế, nhà máy này dự kiến có công suất đạt 1,2 triệu tấn/năm trong 5 năm tới.
Với kết quả trên, Bình Dương đang có động lực thúc đẩy tăng trưởng từ ngành công nghiệp. Đây là ngành đã và đang giữ vai trò quan trọng của tỉnh Bình Dương. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4-2022 ước tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 4 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong số này, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,6% và là ngành chủ chốt trong tăng trưởng chung của toàn ngành, chiếm tỷ trọng 98,9% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

Dồn lực phát triển theo chiều sâu

Về triển vọng quý II và cả năm 2022, với phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn để phát triển, cùng với sự đồng hành của các cấp, các ngành, địa phương, nhiều DN tin tưởng sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng sản xuất và tăng tốc phát triển. Theo đó, có 85% DN cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý II sẽ khả quan và tốt hơn. Giám đốc Công Ty TNHH Panasonic Life Solutions Việt Nam - ông Kitagawa Norukazu đánh giá cao khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh trong tỉnh Bình Dương, đồng thời cho biết số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mà DN nhận được rất lớn, nhà máy đang vận hành hết công suất để đáp ứng.
Ở thời điểm hiện tại, Bình Dương đang có trên 9.000 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, trong số đó, số lượng DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 24,7% nhưng đóng góp đến 57,2% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Giá trị xuất khẩu của các DN FDI cũng chiếm trên 79% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, mà phần lớn là các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông. Hàng gỗ nội thất, máy móc, thiết bị, hàng dệt, may, nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Bình Dương.

>> Xem thêm: Bình Dương tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài gấp 4 lần

Giám đốc Sở Công thương Bình Dương - ông Nguyễn Thanh Toàn nhận xét quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu tại các DN đang gặp rất nhiều thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh trên toàn cầu vẫn còn diễn biến phức tạp. Cùng với đó là căng thẳng chiến tranh Nga - Ukraine đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao… tuy nhiên các DN vẫn đang nỗ lực nhằm thích ứng và hướng đến sự phát triển. Song song đó là những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP để phục hồi kinh tế đã được triển khai rất nhanh chóng, giúp cho cộng đồng DN yên tâm và tin tưởng, góp phần duy trì đà tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm 2022 của ngành công nghiệp.  
Trên tinh thần thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa nỗ lực phấn đấu cao nhất với sự chủ động trong thực hiện các mục tiêu năm 2022, lãnh đạo Sở Công thương đang cố gắng hết sức để thúc đẩy phát triển công nghiệp các tháng còn lại của năm, ngoài ra, khả năng tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do cũng được xem xét, nhằm gia tăng giá trị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Bình Dương. Sở Công thương cũng đang nỗ lực chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp tại Bình Dương, hướng vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, lựa chọn ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp năng lượng sạch và tỷ lệ nội địa hóa. Ngoài ra, Bình Dương cũng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các mô hình, hoạt động kinh doanh mới, đẩy mạnh thương mại điện tử… nhằm hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN ngành công nghiệp.

>> Xem thêm: Khu công nghiệp Bình Dương
 
Năm 2022, tỉnh Bình Dương tiếp tục phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị, ổn định tốc độ tăng trưởng và giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Bình Dương cũng ưu tiên thu hút, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động, góp phần nội địa hóa sản phẩm; xây dựng danh mục các ngành nghề dự án, kêu gọi thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp. Đồng thời, hoạt động xúc tiến đầu tư trực tuyến tiếp tục đẩy mạnh và chuẩn bị đầy đủ điều kiện hạ tầng đón các nhà đầu tư lớn với chiến lược lâu dài; tăng cường quản lý, hỗ trợ, phấn đấu chỉ số ngành công nghiệp năm 2022 tăng khoảng 8,9% so với năm 2021.

Tác giả bài viết: Ngọc Thanh

Nguồn tin: baobinhduong.vn

Tin tức khác

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao...

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây