Chuẩn bị hạ tầng công nghiệp, tỉnh Bình Phước chủ động đón sóng dịch chuyển đầu tư

16/10/2022
Trong xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các doanh nghiệp và tập đoàn lớn của nước ngoài, tỉnh Bình Phước với quỹ đất lớn đang tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp nhằm tận dụng cơ hội, đón đầu làn sóng đầu tư này.
cong kcn

Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico (Hớn Quản, Bình Phước)
Theo báo cáo mới nhất từ UBND tỉnh Bình Phước, số lượng khu công nghiệp toàn tỉnh đã quy hoạch là 13 KCN với tổng diện tích hơn 6.000 ha. Trong số này có 12 khu công nghiệp đã vận hành và thu hút đến 368 dự án, đạt tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn 2,6 tỷ USD và tổng vốn đầu tư trong nước hơn 12.000 tỷ đồng.
Các dự án đầu tư vào khu công nghiệp Bình Phước chủ yếu đến từ các ngành: sản xuất, chế tạo linh kiện điện tử; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; các ngành quần áo, dệt may, giày dép, gỗ. Trong những năm gần đây, các khu công nghiệp Bình Phước đang thu hút sự chú ý từ các doanh nghiệp chế biến thịt lợn, gà và đang phát triển mạnh.
Bình Phước còn có Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với diện tích 28.364 ha và đã chấp thuận chủ trương cho 91 doanh nghiệp trong Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với diện tích 1.685ha.
Ngoài các khu công nghiệp lớn, tỉnh Bình Phước còn quy hoạch được 40 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.600 ha. Trong số này 9 cụm công nghiệp đa thành lập và 1 cụm đã đi vào hoạt động.
Mặc dù có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng hạ tầng khu công nghiệp tỉnh Bình Phước vẫn còn tồn tại những điểm bất cập. Đáng chú ý là diện tích các khu công nghiệp chưa đồng bộ và chênh lệch lớn. Cụ thể khu công nghiệp Chơn Thành II và Nam Đồng Phú có diện tích quá nhỏ, lần lượt là 76 và 72 ha. Trong khi khu công nghiệp Becamex - Bình Phước có diện tích lên đến 2.450 ha, gấp nhiều lần hai khu công nghiệp trên. Điều này khiến hiệu quả đầu tư của các khu công nghiệp gặp nhiều hạn chế.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, các khu công nghiệp nhỏ sẽ dễ dàng triển khai đầu tư hạ tầng và tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy. Trong khi các khu công nghiệp lớn sẽ gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trì hoãn tiến độ đầu tư hạ tầng và ảnh hưởng đến thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để lấp đầy diện tích. Trong khi đó hạn mức được Trung ương phân bổ về diện tích đất công nghiệp là có giới hạn.
Vì vậy khi các khu công nghiệp quá lớn chậm trễ triển khai, điều này đồng nghĩa ảnh hưởng đến việc triển khai phát triển các khu công nghiệp khác vì hạn mức đất công nghiệp không còn. Cuối cùng là kìm hãm phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Phước.
UBND tỉnh Bình Phước nhận định, hiệu quả thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp của tỉnh chưa cao. Điều này đến từ việc thu hút chủ yếu ngành nghề thâm dụng lao động, tỷ suất đầu tư thấp, đóng góp ngân sách cho địa phương không đáng kể (Vd: ngành dệt may, da dày). Thực tế, Bình Phước gặp khó khăn không nhỏ về cung ứng lao động và giải quyết hạ tầng xã hội.
Để đón đầu xu hướng phát triển công nghiệp trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành quyết định “Đề án phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030”.
Với bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA); cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và hậu quả dịch COVID-19, các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đang có những chuyển dịch hướng đầu tư sang nhiều nước, hướng tới đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong đó Việt Nam đang là lựa chọn nổi bật.
Chính vì vậy, để tạo động lực cho Bình Phước có điều kiện phát triển và đón đầu xu hướng đầu tư này, Bình Phước đặt mục tiêu sẽ phát triển 8.290 ha đất khu công nghiệp, 25.864 ha đất khu kinh tế và 730 ha đất cụm công nghiệp, từ nay cho đến năm 2025. UBND tỉnh Bình Phước còn mở rộng kế hoạch đến năm 2030 sẽ phát triển thêm lần lượt là 11.522ha, 25.864ha và 1.279ha.
Và để thực hiện Đề án trên, tỉnh Bình Phước vừa có kiến nghị Trung ương bổ sung, điều chỉnh quy hoạch để làm cơ sở phát triển đất công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 diện tích 16.461 ha đất khu công nghiệp, 1.828ha đất cụm công nghiệp và 25.864 ha đất phát triển khu kinh tế.
Ngoài ra, tỉnh Bình Phước cũng chú trọng và hoàn thiện các chính sách giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng thu hút nhà đầu tư thứ cấp, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư hệ thống xử lý môi trường… từ đó hỗ trợ nhà đầu tư bằng nhiều hình thức ưu đãi khác nhau.
Bình Phước là một trong số tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với các thủ phủ công nghiệp của cả nước như Đồng Nai, Bình Dương. Ngoài ra, Bình Phước cũng ở vị trí cửa ngõ, kết nối giữa các vùng Tây Nguyên với Tp. Hồ Chí Minh, cũng như  Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.
Tỉnh Đông Nam Bộ này còn sở hữu quỹ đất dồi dào, diện tích đất công lớn, đất sạch, các sản phẩm nông sản như hạt điều, cao su, cà phê lớn, là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đây sẽ là những thế mạnh lớn để Bình Phước phát triển mạnh trong thời gian tới.
 

Tác giả bài viết: Sỹ Tuyên

Nguồn tin: TTXVN

Tin tức khác

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao...

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây