Chính sách quản lý khu công nghiệp có nhiều đổi mới

14/07/2022
Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và KKT (gọi tắt là Nghị định 35) chính thức có hiệu lực từ ngày 15/7. Với nhiều quy định mới, Nghị định 35 có những tác động không nhỏ đến quản lý khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) trong thời gian tới.
Về vấn đề này, ông Phạm Văn Cường đã có trao đổi với đại diện các cơ quan truyền thông về những tác động đến hoạt động của các KCN tại Việt Nam nói chung, cũng như khu vực Đông Nam Bộ nói riêng. Và đặc biệt tại Đồng Nai, nơi ông Cường đang đảm nhiệm vai trò Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai.
đổi mới chính sách quản lý khu công nghiệp 1
Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Phạm Văn Cường. Ảnh: Kim Liễu
Với Nghị định 35, những quy định đã được thay đổi để phù hợp với thực tế khi được triển khai, điều này gián tiếp giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp…

Những điểm và quy định mới nào đang chú ý tại Nghị định 35 so với trước đây, thưa ông?

- Nghị định 35 là một trong những quy định mới về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế của Chính phủ, ban hành vào ngày 28/5/2022 nhằm thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP vốn không còn phù hợp.
Một điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 35 chính là những sửa đổi bổ sung liên quan đến quy định về quy hoạch KCN, KKT để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Các quy định tại Nghị định 35 cũng được làm chi tiết hơn về xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN; các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển KCN, KKT cũng được quy định cụ thể hơn; vấn đề nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích cho người lao động trong khu công nghiệp cũng được đề cập; cùng với một loạt các bổ sung về nội dung liên quan đến KCN và mô hình các KCN mới…
Ngoài ra, Nghị định 35 cũng đề cập đến các quy định mới, sửa đổi bổ sung liên quan đến đầu tư hạ tầng, đặc biệt là các quy định mới về phân kỳ đầu tư KCN, bãi bỏ thủ tục thành lập KCN, đơn giản hóa quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư hạ tầng, thành lập KCN và mở rộng KCN…

Những sửa đổi bổ sung liên quan đến vấn đề quy hoạch KCN, KKT có gì cần chú ý, thưa ông?

- Thông qua Nghị định 35, Chính phủ đã bãi bỏ các quy định về lập, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt quy hoạch phát triển KCN, KKT. Đồng thời, Chính phủ đã thay thế bằng các quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống KCN, KKT. Trong đó, các nội dung về phương án phát triển, các điều kiện, nguyên tắc xác định số lượng, quy mô diện tích và địa điểm dự kiến cũng được quy định rất cụ thể.
Quy trình từ lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống KCN, KKT đều được thực hiện dựa trên các quy định của pháp luật về quy hoạch. Đối với KKT việc điều chỉnh ranh giới chỉ được thực hiện trong một số trường hợp cụ thể theo quy định.
Nghị định 35 cũng quy định các điều kiện, nguyên  tắc xác định số lượng, quy mô diện tích, các trường hợp điều chỉnh KCN, KKT rất rõ ràng nhằm giảm thiểu thời gian, tối ưu chi phí cho địa phương trong quá trình lập, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch trong quy hoạch vùng, tỉnh. Theo đó, các doanh nghiệp có thể hiểu rõ các điều kiện bắt buộc phải tuân thủ khi triển khai quy hoạch các KCN, KKT và dễ dàng tiếp cận hệ thống quy hoạch của các địa phương.
Với Nghị định 35, địa phương cũng được trao nhiều quyền hạn hơn trong quá trình quản lý KCN, việc điều chỉnh địa điểm, quy mô diện tích quy hoạch KCN không quá 2% và không quá 6ha so với quy mô diện tích của KCN đã được xác định trong Danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ do UBND tỉnh quyết định; nếu không quá 10% và không quá 30ha so với quy mô diện tích của KCN đã được xác định trong Danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ do UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Bộ KH-ĐT.
Đây là bước tiến đột phá, thuận lợi rất nhiều cho địa phương, các công ty chuyên kinh doanh hạ tầng vì thủ tục này thực hiện thường xuyên, nhưng trước đây lại là cả quy trình phức tạp và kéo dài.

Về các loại hình KCN, KKT được quy định bổ sung tại Nghị định 35, ông đánh giá như thế nào về các tác động tích cực, thưa ông?

- Nghị định bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh sự phát triển các loại hình KCN, KKT mới (tại Điểm c và Điểm đ, Khoản 1; Điểm c, Khoản 13, Điều 2 và Chương V) bao gồm: loại hình KCN chuyên ngành, loại hình KCN công nghệ cao, khu phi thuế quan trong KKT, các quy định về chính sách hỗ trợ và hợp tác phát triển, tiêu chí xác định, ưu đãi, chứng nhận, trình tự, thủ tục đăng ký chứng nhận KCN sinh thái...
Đây là một trong những bổ sung mang lại lợi ích trực tiếp cho nhà đầu tư. Các quy định này sẽ là cơ sở giúp các KCN có thể giải quyết được các vấn đề nổi lên trong thời gian qua là phát triển nhanh dẫn đến quá tải về hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Các KCN chuyên sâu cũng đang có nhu cầu rất lớn nhằm tạo chuỗi cung ứng đầu vào, liên kết các nhà đầu tư trong cùng khu vực có khoảng cách gần, có thể thuận lợi hơn trong việc hỗ trợ nhau khi sản xuất một sản phẩm hoàn chỉnh (điện tử, dệt may…).
Trong khi đó, các KCN công nghệ cao, khu công nghệ sinh thái hướng đến các mô hình hoạt động về KCN xanh, thân thiện môi trường, giúp cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, tăng cường gắn kết và nâng cao lợi ích cộng đồng và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đối với cộng đồng xung quanh KCN, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững, hài hòa.

Những quy định về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích tại các KCN được quy định ra sao tại Nghị định 35? Đây cũng là nội dung được nhiều người lao động quan tâm. Và khi triển khai sẽ có những chuyển biến gì, thưa ông?

- Theo Nghị định 35, khi xác định danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cần đảm bảo quỹ đất để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc tối thiểu là 2% tổng diện tích của các KCN.
Đây sẽ là một trong các điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KCN. Các KCN cần phải dành đất quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động (Khoản 7, Điều 9). Tương tự, một trong các điều kiện xem xét, mở rộng KCN là đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động (Khoản 8, Điều 9). Các quy định nhằm khuyến khích phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN, KKT (Điều 29).
Xin cảm ơn ông!
“Quy định tại Nghị định 35 góp phần hoàn thiện cơ chế để đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động trong KCN, giúp thúc đẩy gia tăng số lượng nhà ở công nhân và số lượng các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, đóng góp quan trọng vào phát triển lĩnh vực nhà ở xã hội” - Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai PHẠM VĂN CƯỜNG cho biết.
KCN Minh hung sikico cam ket dong hanh

Tác giả bài viết: Kim Liễu

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Tin tức khác

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao...

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc

Quy định về thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2023 của 63 tỉnh, thành phố

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây