Dù các tác động tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19 là không thể tránh khỏi, nhưng trong công bố vừa qua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT - KCN) của Việt Nam vẫn gặt hái được những thành công trong năm vừa qua. Số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên đến 539 dự án, trong khi dự án đầu tư trong nước là 615 dự án.
Tổng số vốn đăng ký mới trong năm 2021 cũng tăng 15% và chốt ở mức 12,8 tỷ USD. Số vốn tăng thêm cũng bằng mức 236.200 tỷ đồng của năm 2020.
Bất chấp COVID-19, các tỉnh vẫn tăng trưởng dòng vốn đầu tư vào KCN
Trong năm vừa qua, các tỉnh phía bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng… đã có những bước tiến rất tốt trong việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh COVID-19. Đây chính là cơ sở để các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI mạnh dạn đầu tư, tăng cường sản xuất.
Đặc biệt, Hải Phòng là địa phương đứng đầu cả nước trong năm 2021 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ban Quản lý KKT Hải Phòng cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào các KKT - KCN của tỉnh đạt hơn 5,1 tỷ USD, gấp 3,4 lần so với năm 2020.
Bắc Ninh cũng là một trong những tỉnh nhận được sự đầu tư hùng hậu trong năm 2021. Số lượng dự án đầu tư thứ cấp mới là 125, bao gồm 84 dự án FDI và 41 dự án trong nước. Tổng số vốn đầu tư đăng ký cấp mới, cũng như điều chỉnh đạt trên 1,8 tỷ USD. Tổng số vốn đầu tư FDI tại Bắc Ninh cũng đạt trên 1,4 tỷ USD, trong khi tổng số vốn đầu tư trong nước đạt trên 9.000 tỷ đồng, xấp xỉ 400 triệu USD.
Bắc Giang cũng đạt nhiều tăng trưởng đáng kể trong mặt trận thu hút đầu tư. Tính đến ngày 15/12/2021, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với 27 dự án (gồm 17 dự án FDI và 10 dự án trong nước). Tổng số vốn đăng ký đạt 611 triệu USD và 2.430 tỷ đồng. Số lượng dự án cấp điều chỉnh là 131 lượt. Tổng kết số vốn đầu tư cấp mới và bổ sung trong năm 2021 của tỉnh Bắc Giang là 1.349,4 triệu USD.
Trong khi đó, dù là tâm dịch COVID-19 tại Việt Nam trong năm 2021, nhưng các tỉnh thành phía Nam vẫn ghi nhận các tín hiệu tích cực về dòng vốn đầu tư vào KKT -
KCN miền Nam, đặc biệt là các thủ phủ khu công nghiệp truyền thống tại khu vực Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai.
Theo thống kê của Ban Quản lý các
KCN Đồng Nai, các KCN trên địa bàn đã thu hút tổng vốn đầu tư FDI trong năm 2021 đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Trong khi đó vốn đầu tư trong nước cũng thu hút hơn 2.000 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch năm.
Tỉnh Bình Dương cũng tăng trưởng vốn FDI hơn 53% so với năm 2020, tương đương 1,9 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đóng góp trên 20,8 tỷ USD, trong khi đóng góp thuế và nộp ngân sách đạt trên 525 triệu USD.
Về các dự án FDI tỷ USD nổi bật, dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) đặt tại Khu Dịch vụ công nghiệp Đông Nam Á, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An nổi bật nhất. Dự án này có tổng vốn đăng ký lên đến 3,1 tỷ USD.
Nhà đầu tư từ Hàn Quốc cũng gây chú ý với dự án LG Display Hải Phòng, có sự điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD. Điều này cũng giúp dự án này trở thành dự án có vốn FDI lớn nhất tại Hải Phòng.
Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) cũng là thương vụ tỷ USD khi có tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD. Dự án tại Cần Thơ dự kiến sẽ vận hành thương mại từ năm 2024-2025.
Tập đoàn LEGO (Mỹ) cũng đầu tư 1 tỷ USD vào
KCN Bình Dương, nhằm xây dựng nhà máy mới với tổng diện tích 44 ha. Nhà máy này dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương còn nhận được số vốn đăng ký bổ sung lên đến 610 triệu USD của Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan) tại KCN Bàu Bàng. Với vốn bổ sung mới, dự án của công ty này đã tăng tổng vốn đầu tư lên 1,37 tỷ USD.
Xem thêm: Khu công nghiệp Bình Phước
Lũy kế đến thời điểm hiện tại, các KCN - KKT tại Việt Nam đã thu hút 10.311 dự án FDI và 10.288 dự án đầu tư trong nước. Tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 231,6 tỷ USD, cùng 2,54 triệu tỷ đồng. Số vốn đầu tư thực hiện cũng tương ứng đạt khoảng 69% và 46,5% vốn đăng ký.
Mặc dù số vốn đăng ký tương đối cao, nhưng dịch bệnh COVID-19 khá nặng nề đã trực tiếp ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các KCN - KKT. Nhiều KCN - KKT đã sụt giảm thặng dư so với năm 2020.
Cụ thể, tổng doanh thu sản xuất, kinh doanh của khu vực này năm 2021 đã giảm 27% so với năm 2021, tương đương mức đạt 182 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt 132 tỷ USD, giảm 11% so với năm ngoái và chiếm 59% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Số tiền nộp ngân sách nhà nước của các KCN - KKT cũng giảm 7,5% so với năm 2020, tương đương 121.000 tỷ đồng.