Bộ Công Thương cho biết, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đã giúp nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước từng bước xây dựng, triển khai Kế hoạch an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, từ đó đang dần phục hồi phát triển công nghiệp, sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội.
Các ngành công nghiệp khôi phục, tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng theo các hợp đồng đã ký kết.
Cũng theo báo cáo từ Bộ Công Thương, các thành phố tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp của cả nước như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội… đã có những tín hiệu tích cực. Đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, các doanh nghiệp sản xuất đã khôi phục trở lại và đang tăng tốc để kịp hoàn thành các hợp đồng ký kết vào cuối năm.
Các địa phương đã ghi nhận dấu hiệu phục hồi tích cực so với những giai đoạn trước đó. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tăng mạnh. Cao nhất là Quảng Ninh với mức tăng 19,17%. Thứ hai là Thanh Hóa tăng 15,1%. Tiếp theo là Quảng Ngãi tăng 16,11%; Thừa Thiên - Huế tăng 9,12%; Cần Thơ tăng 6,77%; Đồng Nai tăng 6,9%... Tất cả tạo nên toàn cảnh phục hồi tích cực của sản xuất và kinh doanh cả nước.
Trong tháng 11, chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ. Khai khoáng là ngành tăng trưởng mạnh với 8% và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020. Ngành chế biến, chế tạo cũng tăng 5,9% và tăng 6,4% so với cùng kỳ. Sản xuất - phân phối điện tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ...
Xem thêm: Tỉnh Bình Phước vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng
Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng ngành chế biến chế tạo và ngành sản xuất - phân phối điện tăng vượt mức bình quân với lần lượt là 4,8% và 3,8%. So với cùng kỳ 2020, hai ngành này cũng tăng lần lượt là 4,7% và 3,2%.
Mặc dù đã có những tín hiệu lạc quan, những đánh giá sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2021 của Cục công nghiệp (Bộ Công Thương) vẫn rất thận trọng. Cục này cho biết vẫn còn nhiều khó khăn dù sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi. Các doanh nghiệp sản xuất ở trong khu, cụm công nghiệp hoạt động trở lại chiếm tỷ lệ cao hơn. Cùng với đó là người lao động cũng trở lại làm việc tại các khu khu, cụm công nghiệp cũng cao hơn.
Ví dụ tỉnh Đồng Nai có số doanh nghiệp hoạt động trở lại tại các khu, cụm công nghiệp đạt 99%, và người lao động làm việc tại các khu vực này đạt 88%. Trong khi đó ở phía ngược lại, doanh nghiệp và người lao động trở lại hoạt động ở khu vực bên ngoài lần lượt là 83,5% và 65,5%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở ngoài
khu công nghiệp vẫn đang rất khó khăn khi hoạt động trở lại.
Để đẩy mạnh phát triển hơn nữa sản xuất công nghiệp tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” từ Trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ triển khai hướng dẫn từ Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải trong việc đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, tạo điều kiện để người lao động trở lại làm việc, đóng góp vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời hạn chế tối đa tình trạng “cát cứ”, không đồng bộ tạo thêm khó khăn cho phục hồi sản xuất kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường, đảm bảo cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu và năng lượng cho sản xuất kinh doanh, nhằm
phục hồi hơn nữa kinh tế - xã hội. Mặt khác, các dự án công nghiệp quan trọng sẽ được Bộ tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ tối đa khôi phục sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao trong dịp cuối năm.